Home » Articles » Truyện ngắn | [ Add new entry ] |
XỨ SỞ CỦA NGƯỜI MÙ
H.G. Wells ra đời năm 1866 trong một gia đình nghèo khó và nhiều tai họa. Bằng trí thông minh hiếm có và chí phấn đấu mãnh liệt, mặc dù phải bận rộn vật lộn với miếng ăn ngay trong thời niên thiếu, ông vẫn đạt những bước tiến đều trên con đường học vấn. Được đại học Royal College of Science, Kensington, cấp học bổng, ông là một sinh viên ưu tú của khoa học gia nổi tiếng T.H. Huxleỵ Ra trường với ngành động vật học, ông có dự tính trở thành một giáo sư. Không ngờ năm 21 tuổi, một tai nạn trên sân túc cầu phá hư một chiếc thận; ông phải nằm liệt giường một thời gian dài; con đường dạy học đành bỏ dở. Hoàn cảnh thiếu may mắn đó bắt buộc ông phải ứng biến, và tình cờ bước vào sự nghiệp văn chương. Kiến thức khoa học có sẵn cộng với óc tưởng tượng vô cùng phong phú trở thành tài sản quý báu, Wells thành công rất sớm với những truyện ngắn, xã luận, và tranh khôi hài đăng báo. "The Time Machine" là truyện dài đầu tay của ông, xuất hiện từng kỳ trên mặt báo rồi được in thành sách năm 1985. Độc giả khắp nơi thấy ngay dấu hiệu của một thiên tài, và Wells nổi tiếng nhanh chóng khắp thế giới. Trong vòng năm mươi năm, H.G. Wells cho ra đời một số lượng kinh hồn là 150 tác phẩm. Ông viết nhiều loại, nhưng thành công nhất vẫn là khoa học giả tưởng, mà ngoài "The Time Machine" còn phải kể đến "War of the Worlds" (chiến tranh liên hành tinh), "The Invisible Man" (người vô hình), "The Island of Doctor Moreau" (hòn đảo của bác sĩ Moreau). Ông mất năm 1946 giữa lúc uy tín đang suy sụp trầm trọng vì xuất bản quá nhiều tác phẩm tầm thường - nằm ngoài sở trường khoa học giả tưởng của ông - trong hơn 20 năm liền. Nhưng gần đây phong trào đọc H.G. Wells đã mạnh mẽ trở lại. Người ta khám phá rằng trong khoảng 20 tác phẩm có lẽ sẽ tồn tại vĩnh viễn với thời gian, Wells không những chỉ chứng tỏ tài nghệ văn chương mà còn có viễn quan chính xác. Những suy tưởng của ông về con người, về thế giới, về vũ trụ không còn là giả tưởng xa xôi nữa, mà càng lúc càng phản ảnh trung thực đời sống đầy bất trắc và hoang mang của chúng ta. H.G.WELLS Chân Quỳnh dịch Cách Chimborazo khoảng hơn ba trăm dậm, cách vùng tuyết phủ Cotopaxi độ một trăm dậm, ở một nơi hoang-vu nhất trong dẫy trường sơn Andes xứ Ecuador, có một cái thung-lũng bí mật, biệt lập với thế-giới bên ngoài, đấy là xứ sở của những người mù. Từ ngày xửa ngày xưa, lâu lắm rồi, người ta đến thung-lũng này bằng cách vượt những hẻm núi vô cùng hiểm-trở và một sơn đạo băng đóng trơn truột, đến những cánh đồng cỏ quanh năm xanh tốt. Thế rồi có một gia-đình người Pérou lai, trốn tránh chế-độ độc-tài và bạo quyền của một ông vua Y-pha-nho, kéo nhau đến đây định cư. Kế đó, ngọn núi Mindobamba phun lửa dữ-dội, trong khi ở Quito đêm tối mù-mịt kéo dài mười bẩy ngày giòng-giã, và nước sông ở Yaguachi sôi sùng-sục, cá chết nổi lềnh-bềnh trôi đến tận Guayaquil ; men theo sườn núi ven biển Thái-bình-dương đâu đâu cũng có động đất, băng tuyết tan rã rất nhanh và nước lụt dâng lên bất ngờ. Đỉnh Arauca cổ xưa lở hẳn một bên, lăn xuống ầm ầm như sấm độïng và vĩnh viễn tách xứ của người mù thành một cõi riêng. Nhưng một trong những người định cư sớm nhất tình cờ lại đến hẻm núi phía bên này, khi trận động đất kinh-hồn xẩy ra, nên ông ta bắt buộc phải quên hết vợ con, bè bạn, tài sản bỏ lại trên kia và bắt đầu một cuộc đời mới ở cái thế-giới bên dưới này. Ông bắt đầu lại cuộc đời, nhưng gập hoàn-cảnh bất lợi, ông mắc bệnh mù rồi bị trừng phạt chết trong hầm mỏ. Nhưng câu chuyện ông kể trở thành cổ-tích lưu truyền cho tới nay suốt giải núi trùng điệp Cordillière des Andes. Ông kể lại những lý do vì sao ông phải từ nơi sơn ải đó lần mò về. Ông đến đó từ khi chỉ là một đứa bé bị buộc chặt vào con đà-mã với một cái bọc to tướng đựng các vật dụng. Ông cho biết cái thung-lũng ấy là nơi phúc-địa, có đủ mọi thứ mà con người hằng mơ ước : nước ngọt, đồng cỏ, khí hậu ôn-hoà, sườn núi đất đen mầu mỡ, với những bụi cây um-tùm, quả chín ngon ngọt. Trên một sườn núi khác là những cánh rừng thông rộng lớn ngăn chặn tuyết lở. Tít trên cao, ba mặt vách đá xanh xám có băng ở tột đỉnh, nhưng những con sông băng đóng không chẩy về phía họ mà lại chẩy ra những sườn đồi xa hơn, và chỉ thỉnh-thoảng mới có những tảng băng khổâng-lồ lăn xuống mé thung-lũng. Ở sơn cốc này không bao giờ có mưa, hay tuyết, nhưng nhờ những dòng suối đầy tràn nên đồng cỏ vẫn xanh tươi và có nước tưới chan hòa khắp nơi. Những người dân định cư ở đây quả đã hoàn-thành một công việc đáng khen ngợi. Thú vật do họ chăn nuôi, sinh sôi nẩy nở, chỉ hiềm có một điều khiến hạnh-phúc của họ không được trọn vẹn. Chỉ mỗi một điều này cũng đủ làm cho hạnh-phúc của họ giảm đi rất nhiều. Một chứng bệnh cổ-quái khiến cho tất cả những đứa trẻ sinh ra ở đây và cả rất nhiều đứa lớn hơn cùng mắc tật mù lòa. Chính là để đi kiếm một thứ linh dược hay bùa phép thần-diệu về trị bệnh thong-manh mà ông đã chẳng quản mệt nhọc, đường xa hung-hiểm, xông pha lăn lội xuống núi, tìm về quê cũ. Vào thuở ấy, trong những trường hợp như thế người ta không nghĩ đến vi-trùng, truyền-nhiễm, mà chỉ nghĩ đến tội lỗi.Và ông nghĩ lỗi chính là do những người di cư đầu tiên không có giáo sĩ đã quên dựng một điện thờ khi đặt chân đến cái thung-lũng này. Ông muốn thiết-lập trong sơn cốc một cái điện thờ đẹp-đẽ và linh thiêng, không xa-hoa. Ông muốn có những thánh cốt hay những bùa phép gây lòng tín ngưỡng, những thánh vật, mề-đay thần bí, nhữnh thánh kinh. Ông mang theo trong bọc một nén bạc nhưng không chịu cho biết nguồn gốc, khăng-khăng một mực nói rằng sơn cốc không có bạc, nhưng lời chối đây đẩy của ông rõ là cung cách của một kẻ nói dối chưa thiện nghệ. Tất cả mọi người đều đóng góp tiền bạc và các vật trang-hoàng quý giá vì họ nghĩ những vật ngoại thân ấy không cần-thiết, thà đem đánh đổi lấy phép mầu để trị bệnh. Tôi tưởng tượng ra hình ảnh một thanh-niên miền sơn cước, mắt mờ, da sạm nắng, gầy-guộc, lo-lắng, bồn-chồn ôm chặt cái mũ rộng vành, một thanh-niên không mảy may quen thuộc lề thói của cái thế-giới bên dưới, kể lại chuyện này cho một vài giáo-sĩ mắt sáng chăm-chú nghe trước khi cơn địa chấn xẩy ra. Tôi hình dung chàng tìm cách trở về với những thánh vật, linh dược để trị bệnh và những nông nỗi khó-khăn vô vàn chán-nản đối trước khoảng đất rộng ngổn-ngang loạn thạch, nơi trước kia là hẻm núi. Tôi không rõ hết những tai biến khác đã xẩy ra cho chàng ngoại trừ cái chết khốn-khổ nhiều năm về sau. Tội-nghiệp cho con người lạc-lõng từ xa đến ! Con sông trước kia là hẻm núi nay đổ ào ào xuống từ một thạch động, và câu chuyện anh vụng về kể lại đã biến thành sự tích của giống người mù lòa ở một chốn xa-xôi nào đó mà ngày nay ta còn nghe thuật lại. Tai họa tiếp-tục giáng xuống những người dân thưa-thớt, hiếm-hoi của cái thung-lũng trơ-trọi đã bị bỏ quên ấy. Những người già lòa mắt phải sờ-soạng, những đứa bé chỉ nhìn thấy lờ-mờ, còn những đứa sinh ở đây thì hoàn toàn mù tịt. Nhưng đời sống lại rất dễ-dàng trong cái lòng chảo bốn bề tuyết vây, tuyệt-tích với thế-giới bên ngoài : cỏ cây không chông gai, không sâu trùng, dã thú không có mà chỉ có những con đà-mã hiền-lành họ đã lôi kéo được đi theo lòng sông cạn trong những hẻm núi. Mục-lực của họ cứ yếu dần nên họ không để ý đến sự mất mát này. Họ hướng dẫn những đứa trẻ mù lòa di chuyển khắp nơi trong thung-lũng kỳ đến khi chúng thuộc lòng đường đi lối lại, thành thử khi họ mù hẳn thì dòng giống họ vẫn tồn tại. Họ còn tìm ra cách giữ cho lửa khỏi tắt trong những cái lò bằng đá. Lúc đầu họ chỉ là một cộng đồng mù chữ hơi có liên-quan đến văn-minh Y-pha-nho, pha trộn với một ít ảnh-hưởng của nghệ-thuật và triết-học đã thất truyền của xứ Pérou thời thượng cổ. Đời này qua đời khác, họ đã quên đi rất nhiều điều mà cũng đã phát-minh ra nhiều thứ. Những truyền-thuyết, tập tục của cái thế-giới bao la, nguồn gốc của họ, trở nên mơ-hồ, đượm mầu sắc hoang-đường, thần-thoại. Trừ cặp mắt kém ra thì họ là những con người khỏe mạnh, có năng lực. Thế rồi tình cờ và do huyết thống lưu truyền họ bỗng sinh ra được một người kiệt xuất, có thể đứng ra lên tiếng thu phục họ. Sau đó họ còn sinh thêm được một người thứ hai nữa cũng để lại nhiều ảnh-hưởng sâu đậm. Từ đó, cái tiểu xã-hội của họ trở nên đông đúc hơn và cũng hiểu biết hơn. Họ có thể họp nhau để xử lý những vấn-đề xã-hội hay kinh-tế. Đời này qua đời khác, đời này kế tiếp đời khác, cho đến đời thứ mười lăm kể từ ông tổ mang nén bạc ra đi tìm thánh dược và không bao giờ trở lại. Thế rồi bất ngờ lại có một người từ thế-giới bên ngoài lọt vào được cái thung-lũng tuyệt-tích ấy. Sau đây là chuyện của người này. Hắn là một sơn nhân ở gần Quito, một người đã từng ra khơi, đi đó đi đây, nhiều lịch-duyệt, một người đọc sách theo kiểu riêng của mình, một người đã tinh quái lại gan dạ. Lúc bấy giờ có một toán người Anh đến Ecuador để leo núi đã thuê hắn thế chân cho một trong ba người hướng-đạo Thụy-sĩ bị ốm. Hắn đã từng leo khá nhiều núi rồi mới thử đến ngọn Paracostopelt trong rặng núi Andes, và lần ấy hắn bị mất tích luôn. Tai nạn này được kể đi kể lại hàng chục lần , nhưng chỉ có chuyện của Pointer thuật là hay nhất. Pointer tả tường-tận những nỗi vất-vả khi cả đoàn phải leo lên con dốc hầu như dựng đứng đến chân một cái vách đá cuối cùng và lớn nhất. Họ đã chật-vật dựng lều trú ẩn ban đêm trên một thạch-bàn giữa vùng tuyết ngập. Pointer có biệt tài kể chuyện khiến mọi người hồi-hộp theo dõi từ khi đoàn thám- hiểm phát-giác sự thất-tung của Nunez ra sao. Họ réo gọi hắn vang ầm lên nhưng không thấy trả lời, họ lại hô hoán thêm và huýt còi, thế rồi suốt nửa đêm ấy không ai chợp mắt được nữa. Khi trời tảng sáng họ nhìn thấy dấu vết Nunez ngã lăn xuống in hằn trên mặt tuyết. Dường như hắn không kịp kêu lên một tiếng nào. Hắn trượt chân ở mé đông, lăn tuột xuống một khu hoang-sơn. Tít bên dưới, hắn rơi trúng một cái dốc sâu tuyết đóng, tiếp tục lăn-lông-lốc xuống cùng với đám tuyết lở. Vết lăn thẳng đến bờ một cái vực thẳm, sau đó mọi dấu tích đều bị khuất lấp. Xa lắc xa lơ bên dưới, họ lờ-mờ thấy những ngọn cây vươn lên từ một cái thung-lũng nhỏ hẹp bốn bề vách đá . Đấy là cái xứ đã tuyệt-tích của những người mù. Nhưng lúc bấy giờ chưa ai rõ đấy là xứ người mù và họ cũng không phân-biệt được nó với những sơn cốc nhỏ hẹp khác. Nản lòng trước tai nạn bất ngờ này, cả đoàn bỏ cuộc ngay từ trưa hôm ấy. Sau đó, vì chiến-tranh, Pointer phải nhập ngũ trước khi có dịp leo thử một lần nữa. Và cho tới nay, đỉnh Paracostopelt vẫn ngạo-nghễ vươn lên, chưa có ai đặt chân tới được. Cái lều của Pointer trở nên xiêu vẹo, giữa vùng tuyết phủ không kẻ vãng lai. Nhưng người rơi xuống vực còn sống sót. Lăn hết cái dốc đầu khoảng ba trăm thước, cuốn theo cả đám tuyết mù, hắn lọt vào một cái dốc tuyết bám khác lại còn dựng ngược hơn cái trên, cơ hồ mất hết tri-giác nhưng may không gẫy một cái xương nào. Sau đó hắn rơi trên những triền dốc thoai-thoải hơn và cuối cùng dừng lại nằm im, vùi sâu trong đống tuyết xốp trắng đã cuốn theo khi hắn lăn xuống và đã cứu hắn. Nunez tỉnh dậy, mơ-màng tưởng mình đang nằm trên giường, nhưng linh-tính của người dân miền sơn cước khiến hắn hiểu ngay hiện tình, liền cựa quậy, lóp-ngóp chui dần ra khỏi đống tuyết và nhìn thấy những ngôi sao nhấp-nháy trên trời. Hắn nằm sóng sượt một lúc, tự hỏi mình đang ở đâu, chuyện gì đã xẩy ra cho mình. Hắn sờ nắn tứ chi, khám phá ra cái áo choàng đã lộn ngược lên trên đầu, khuy đứt gần hết. Con dao găm trong túi rơi lúc nào không biết. Cái mũ buộc chặt dưới cầm cũng mất nốt. Hắn nhớ mang máng lúc ấy đang đi nhặt đá để dựng lều. Cả cái rìu cũng mất tăm mất tích. Nunez đoán mình đã trượt chân rơi xuống vực và ngửng đầu nhìn lại cái dốc ghê-rợn hắn vừa lăn xuống. Dưới ánh trăng mới mọc, lạnh-lẽo và nhợt-nhạt, cái dốc trông càng rùng-rợn, sâu hun-hút. Trong một lúc, Nunez nằm yên nhìn trừng-trừng lên cái vách đá sừng-sững bên trên, càng lúc càng thấy nó cao ngất-ngưởng, vươn ra khỏi bóng tối đang lùi dần. Vẻ đẹp kỳ-bí, ma quái thu hút Nunez một lúc rồi bỗng hắn bò lăn ra mà cười nức-nở. Một lúc lâu sau, Nunez nhận thấy mình nằm kề ngay chân cái dốc tuyết đọng. Bên dưới, trăng soi tỏ một cái dốc khác có vẻ dễ đi, Nunez thấy những mảng đen-đen của các bụi cây rậm, mọc chen giữa mấy tảng đá. Hắn gượng đứng dậy, tứ chi ê ẩm, lần mò từng bước khó-khăn từ đống tuyết xốp xuống tới bụi cây rậm rồi lăn kềnh ra thì đúng hơn là nằm, bên một tảng đá lớn, móc túi trong lấy chai nước ra tu ừng-ực rồi thiếp đi ngay. Tiếng chim chiêm-chiếp văng-vẳng từ rặng cây tít bên dưới đánh thức Nunez dậy. Hắn ngồi lên, thấy mình nằm trên bãi cỏ nhỏ ở đáy một cái vực sâu, hắn đã cùng với tuyết lăn tuột xuống đây theo một cái rãnh. Trước mặt có một vách đá bích lập khác. Cái khe núi giữa hai vách đá chạy từ đông sang tây đang chan hòa ánh bình-minh, nắng rọi đến tận triền núi phía tây chận đứng cái dốc. Bên dưới dường như có một vách đá cũng dốc ngược không kém, nhưng phía sau rãnh tuyết là một cái khe, băng đang tan rữa, nhỏ xuống từng giọt, có thể liều đi được. Nunez nhận ra đi dễ hơn hắn tưởng, cuối cùng hắn đến một bãi cỏ hoang khác và sau khi leo qua những tảng đá không mấy khó-khăn tới một cái sườn núi dốc sâu, có cây mọc. Nunez ngắm địa-thế, ngửng mặt nhìn lên cái hẻm núi thấy nó ăn thông với những thảm cỏ xanh bên trên và trông rõ mồn-một túm-tụm mấy căn nhà đá hình thù kỳ-dị. Có lúc hắn tưởng mình đang leo lên một bức tường trơn tuột. Một lúc sau, ánh dương-quang không còn chiếu xuống hẻm núi, tiếng chim hót cũng tắt. Khí trời quanh Nunez trở nên lạnh giá và tối dần. Nhưng cái thung-lũng xa xa với những căn nhà trông lại càng sáng ngời. Bây giờ hắn đến một bờ dốc và giữa những tảng đá hắn để ý ? vì Nunez rất có óc quan-sát ? thấy một cây dương-xỉ hình thù kỳ-lạ, như đang vươn những cánh tay xanh ngắt ra khỏi kẽ núi nứt-nẻ. Hắn bẻ một cái như cái lá, nhấm thử cuống thấy ăn được. Khoảng giữa trưa, Nunez thoát được ra khỏi hẻm núi đến một khu đồng bằng có ánh nắng. Mình mẩy hắn tê cứng, mệt mỏi, hắn uể-oải ngồi tránh nắng sau một tảng đá, vốc nước suối đầy chai giải khát, nghỉ một lúc trước khi tiến về phía có nhà cửa. Những ngôi nhà này trông rất kỳ-quặc và khi quan-sát toàn diện cái sơn cốc, hắn càng thấy nó cổ-quái. Phần lớn thung-lũng là một bãi cỏ xanh mướt điểm rất nhiều khóm hoa thật đẹp được tưới bón vô cùng cẩn-thận, rõ ràng có bàn tay người chăm sóc từng khóm một. Trên cao là một bức tường vây chạy vòng quanh thung-lũng và một cái gì như ống dẫn nước từ đó có những tia nước phun xuống sơn cốc để tưới cây. Trên sườn núi cao hơn, từng đoàn đà-mã đang gậm cỏ. Rải-rác đó đây, tựa vào tường là những cái chuồng chăn nuôi đà-mã. Ở trung-tâm thung-lũng, các rãnh nước tưới cây nhập lại thành một cái lạch và mỗi bên có tường xây cao tới ngực. Cái chốn hẻo-lánh này nhờ điểm đó lại mang nét thị-thành kỳ-lạ. Vẻ thị-thành càng tăng thêm với những con đường lát đá đen trắng, chạy theo hàng lối, đường nào cũng có một vỉa hè nhỏ và kỳ-dị. Những ngôi nhà ở trung-tâm thung-lũng khác hẳn những căn nhà xây hỗn-độn trên núi mà hắn từng thấy. Nhà ở đây, dựng hai bên một con đường cái sạch vô tưởng, mặt tiền nhiều mầu loang-lổ, đó đây có đục những cái cửa ra vào nhưng tuyệt nhiên không có lấy một cái cửa sổ. Mầu sắc pha trộn rất quái-đản, vách trát bằng một thứ vữa chỗ thì xám-xịt, chỗ mầu nâu tái, thỉnh-thoảng xen lẫn mầu đá đen hoặc nâu sẫm. Chính cái quang cảnh sắc mầu loạn xạ này đã khiến hắn liên-tưởng lần đầu tiên đến chữ " mù ". " Tướng nào thực-hiện cái công-trình này chắc là mù tịt như một con dơi " Nunez bụng bảo dạ. Hắn xuôi dốc đến chỗ có bức tường vây và ống nước chạy quanh thung-lũng, gần nơi mà ống nước phun xuống một màn nước mỏng rung-rinh. Bây giờ hắn mới trông thấy một bọn người vừa đàn ông vừa đàn bà đang nghỉ trên những đống cỏ, dường như họ đang ngủ trưa. Xa xa trên bãi cỏ, gần cái làng, một lũ trẻ nằm ngổn-ngang, gần kề bên cạnh, ba người đàn ông đang gánh những cái thùng đi trên con đường đá nhỏ chạy từ bức tường vây đến những ngôi nhà. Họ mặc quần áo đà-mã, thắt lưng và ủng bằng da, mũ che gáy và hai tai. Họ nối đuôi nhau đi hàng một, đủng-đỉnh bước, vừa đi vừa ngáp dài y như người mới thức trắng đêm. Có cái gì khiến người ta yên-tâm trong dáng vẻ sung-túc và khả kính của họ. Sau một lúc ngần-ngừ, Nunez xuất đầu lộ diện, bước lên tảng đá, cất tiếng gọi to, dư âm vang dội khắp thung-lũng. Ba người đàn ông dừng chân, ngoảnh đầu nhớn-nhác như tìm kiếm xung quanh. Họ quay ngang quay ngửa, còn Nunez thì vung tay rối-rít ra hiệu song có lẽ họ không trông thấy. Sau một lúc, họ tiến về phía dẫy núi xa xa, mé tay phải, và cất tiếng gọi to như để đáp lại. Nunez lại gào lên, vung vẩy tay ra hiệu và khi nhận ra vô ích, đột nhiên chữ " mù " lóe ra trong óc hắn : " Không khéo các cha này mù cả lũ rồi ! " Cuối cùng, sau khi gào chán chê và cáu-kỉnh, Nunez vượt chiếc cầu nhỏ vắt ngang dòng nước, xuyên qua một cái cửa đục trong tường và tiến đến gần họ. Hắn chắc chắn những nguời này đã lòa và biết rõ đây là xứ sở của người mù mà người ta vẫn kể trong những chuyện cổ-tích, thần-thoại. Hắn tưởng như mình đang trải qua một cuộc phiêu-lưu thích-thú mà mọi người hằng mơ tưởng, ước ao. Ba người đàn ông sóng vai nhau đứng, không nhìn hắn nhưng tai lại vểnh về phía hắn, lắng nghe tiếng bước chân khác lạ của hắn. Họ đứng sát cánh nhau ra chiều hơi khiếp-sợ. Hắn thấy rõ mi mắt họ khép kín và sâu trũng làm như nhãn-cầu bên dưới đã teo lại. Mặt họ lộ vẻ hoang-mang. " Có người ? đích thị là có người ? người hay là quỷ thần đi từ phía những tảng đá xuống ". Một người thốt bằng thứ tiếng lơ-lớ Tây-ban-nha. Nunez mạnh dạn tiến lên như một thanh-niên mới bước chân vào đời. Hắn chợt nhớ đến tất cả những chuyện kể về cái thung-lũng đã tuyệt-tích và xứ sở của người mù. Câu ngạn-ngữ cổ cứ láy đi láy lại mãi trong đầu hắn như một điệp-khúc : " Trong Xứ Mù Thằng Chột làm Vua " " Trong Xứ Mù Thằng Chột làm Vua " Hắn cất tiếng chào rất lễ-phép, vừa chào vừa đưa mục-quang quan-sát. " Người này từ đâu đến hở Pedro ? " một người lên tiếng hỏi. " Từ phía những tảng đá trên kia đi xuống." " Tôi từ bên kia dẫy núi đến đây " Nunez sửa lại. " Từ một nước ở rất xa, nơi mà ai ai cũng nhìn được. Ở gần Bogota, chỗ có hàng trăm ngàn dân cư, dẫu chỉ là một thành-phố khuất nẻo. " " Nhìn ? Nhìn ? " Pedro lẩm-bẩm. " Người này từ những tảng đá đi xuống " người mù thứ nhì nhắc lại. Quần áo họ mặc rất kỳ-cục, chắp nối lung-tung các mảnh vụn bằng những đường kim mũi chỉ khác nhau. Hắn giật nẩy mình khi họ đồng loạt tiến lên, cùng vươn tay. Hắn vội lùi lại, tránh những ngón tay xòe ra. " Lại đây " người mù thứ ba lên tiếng, bước theo và tóm ngay được hắn.
Họ nắm giữ, sờ nắn Nunez từ đầu đến chân và không nói thêm một tiếng nào cho tới khi sờ nắn xong. " Ấy, cẩn-thận đấy ! " Nunez sợ-hãi kêu lên khi một ngón tay đè lên mắt hắn và biết là họ thấy mắt hắn rất kỳ-quặc, mi mắt rung động được. Họ lại sờ thử một lần nữa. " Người này quái lạ lắm, Correa. Sờ thử tóc anh ta mà xem, cứng nhắc y như lông con đà-mã " người tên là Pedro thốt. " Cũng thô-kệch như những tảng đá đã sinh ra anh ta " Correa nói và vuốt-ve cái cầm chưa cạo râu của Nunez với bàn tay mềm-mại hơi ươn-ướt. " Chắc rồi anh ta cũng có thể trở nên thanh-tao hơn ! ". Nunez hơi vùng-vẫy khi mọi người sờ nắn nhưng bị họ ghìm chặt. " Ấy, cẩn-thận đấy ! " Nunez nhắc lại. " Anh ta nói được, thế thì đúng là người rồi. " người mù thứ ba cất tiếng. Pedro mân-mê cái áo choàng của Nunez và kêu " ồ " tỏ vẻ gớm-ghiếc. " Thế là anh đã bước vào đời rồi đấy ? " Pedro hỏi. " Bước ra khỏi thì đúng hơn. Tôi ở mãi tận bên kia dẫy núi và những dòng sông nước đóng băng, bằng một nửa con đường đi lên mặt trời. Ra khỏi cái thế-giới bao la, phải đi mất đến mười hai ngày mới xuôi tới biển được. " Xem ra họ chẳng lý gì đến những lời hắn thốt. " Ông cha chúng ta thường dậy rằng thiên-nhiên có thể sinh ra người. Chính là nhiệt-khí phối-hợp với hơi ẩm-ướt và sự mục-nát của vạn vật hóa thành. " Correa nói. " Chúng ta hãy dẫn người này đến yết-kiến các vị cao niên tiền-bối đi " Pedro đề-nghị. " Hãy gọi to lên báo tin trước kẻo trẻ con nó sợ. Đây là một trường hợp đặc-biệt " Correa bàn. Thế là họ hét toáng lên, rồi Pedro dẫn lộ, nắm tay Nunez lôi về phía có nhà cửa. Nunez rụt tay lại nói : " Tôi trông thấy đường mà. " " Trông thấy ? " Correa hỏi lại. " Phải rồi, tôi trông được " Nunez vừa nói vừa quay mặt về phía Correa nhưng vấp vào cái thùng của Pedro. " Giác-quan người này chưa được hoàn-hảo " người mù thứ ba cất tiếng. " Anh ta vấp ngã, lại dùng những tiếng vô-nghĩa-lý. Hãy nắm tay anh ta mà lôi đi cho xong. " " Thôi cũng được " Nunez vừa cười vừa để mặc cho họ dẫn đi. Dường như họ không biết tị gì về đôi mắt sáng nhìn được. Không sao, rồi dần dần hắn sẽ dậy cho họ hiểu. Có tiếng hô hoán gọi nhau và một bọn người lốâ-nhố tụ tập giữa đường làng. Hắn không ngờ mình lại bực-tức và mất hết kiên-nhẫn như thế khi lần đầu chạm trán những công dân của cái xứ người mù này. Càng lại gần, khu đất ấy càng có vẻ rộng-rãi hơn và những mầu vữa trát trên tường càng thêm quái-dị. Một đám đông vừa đàn ông vừa đàn bà, con trẻ xúm lại vây quanh, nắm lấy hắn, sờ mó với những bàn tay nhậy cảm, ngửi ngửi, lắng nghe từng tiếng nói của hắn. ( Hắn để ý nhìn và vui vui nhận thấy trong đám phụ-nữ vài người có khuôn mặt thật khả ái mặc dầu mắt họ nhắm nghiền và lõm xuống). Một vài đứa trẻ và mấy cô gái đứng xa xa đầy vẻ kinh-nghi. Quả thật giọng nói của hắn có lẽ thô-lỗ, cục-cằn so với khẩu âm nhỏ nhẹ của họ. Họ xúm-xít quanh hắn, ba người dẫn lộ đứng sát một bên như canh giữ hắn làm của riêng, nhắc đi nhắc lại mãi một câu : " Một dã-nhân từ những tảng đá đi xuống. " " Ở Bogota. Bogota, mãi tận bên kia dẫy núi " Nunez cải chính. " Một dã-nhân nói tiếng man rợ " Pedro lên tiếng. " Có nghe thấy anh ta nói không ? Bogota ? Đầu óc anh ta chưa thành hình, chỉ nói được độ nửa câu ra hồn thôi. " Một thằng nhãi gậm tay hắn và chọc ghẹo : " Bogota ! " " Phải rồi. Đấy là một thành-phố so với cái làng này. Tôi từ một thế-giới rộng bao la đến đây ? nơi mà tất cả mọi người đều sáng mắt và nhìn được. " " Tên anh ta là Bogota " họ bảo nhau. " Anh ta đi đứng không vững-vàng, vấp tới những hai lần trên đường đi đến đây " Correa mách. " Dẫn anh ta đến gập các bô lão đi. " Họ đột-ngột đẩy hắn bước qua ngưỡng cửa vào một gian phòng tối om-om trừ phía cuối phòng có ánh lửa bập-bùng. Đám đông theo sát gót hắn, che lấp hầu hết cái ánh sáng bên ngoài chỉ còn lờ-mờ. Hắn chưa kịp dừng bước đã loạng-choạng vấp, ngã nhào lên chân một người đang ngồi. Tay hắn chới với đập ngay vào mặt một người khác khi hắn chúi xuống. Hắn cảm thấy đụng phải cái gì mềm mềm và nghe rõ tiếng kêu giận-dữ. Trong một lúc, hắn giẫy-giụa, vật lộn, để thoát khỏi những bàn tay đang vít xuống, ghì chặt lấy hắn. Đây là cuộc chiến một chiều. Hắn chợt tỉnh-ngộ, nằm im, nói : " Tôi bị ngã. Tôi chẳng trông thấy gì ở cái chỗ tối đen như mực này. " Một lúc yên-lặng, hình như những người hắn không trông thấy ở chung quanh đang tìm hiểu ý nghĩa những lời hắn thốt. Có tiếng của Correa cất lên : " Anh ta chỉ mới được tạo ra nên đi đứng còn vấp ngã, và nói thì pha trộn những tiếng vớ-vẩn, vô-nghĩa-lý. " Những người khác cũng xôn-xao, bàn tán về hắn, nhưng hắn không nghe rõ hay không hiểu rõ. " Tôi ngồi dậy có được không ? " hắn hỏi sau một lúc yên-lặng. " Tôi hứa sẽ không vùng-vẫy, phản-kháng lại các ông các bà đâu. " Họ bàn nhau rồi cho phép hắn ngồi lên. Một bô lão cất tiếng chất-vấn hắn và Nunez thấy mình đang cố-gắng giảng-giải về cái thế-giới rộng bát-ngát mà hắn vừa ly-khai, về vòm trời, về núi non, phong cảnh, về tất cả những kỳ-quan khác cho các trưởng lão ngồi trong bóng tối của cái xứ mù này nghe. Hắn không bao giờ ngờ họ không hiểu và cũng không tin bất cứ điều gì hắn kể. Thậm chí họ cũng không hiểu cả nhiều từ-ngữ hắn dùng. Họ đã mù từ mười bốn đời nay và không còn dây-dưa gì với thế-giới của những kẻ sáng mắt, tên những vật nhìn thấy được đã phai-mờ và biến-đổi, những chuyện ở thế-giới bên ngoài nhạt dần, hóa thành chuyện cổ-tích cho trẻ con nghe. Họ hết quan-tâm đến những gì xẩy ra ở bên kia những tảng đá, phía trên bức tường thành. Các nhà bác học uyên-thâm mù đã đặt câu hỏi về những mẩu tín-ngưỡng hay tập-tục còn sót lại từ ngày người dân xứ này còn nhìn được và coi đó chỉ là những chuyện hoang-đường, rồi đưa ra những lý-giải mới mẻ và lành mạnh hơn. Óc tưởng-tượng của họ phần lớn cũng teo lại theo đôi mắt. Họ lập ra những thuyết mới thích-hợp với đôi tai thính và những ngón tay linh-mẫn của họ. Dần dần Nunez hiểu rằng không thể trông mong họ ngạc-nhiên hay thán-phục nguồn gốc hắn, còn nói gì đến ấn-chứng tài-năng hắn ! Sau lần thất-bại thảm-hại khi hắn định giải-thích cho họ " nhìn " là gì và bị gạt phăng đi như là những lời nói lăng-nhăng của một con người mới thành nhân dạng, tả lại những ảo-giác đẹp-đẽ, những hình ảnh hỗn-loạn đã nhìn thấy, hắn chịu khuất-phục, dẫu hơi cụt-hứng, lắng nghe những giáo-điều của họ. Người già nhất trong bọn giảng cho hắn ý nghĩa của cuộc đời, của tôn giáo, của triết học, rằng thế-giới (nghĩa là cái thung-lũng của họ) lúc đầu chỉ là một khu lòng chảo trống rỗng giữa những tảng đá, sau đó xuất-hiện trước tiên là những bất-động-vật không biết cử động, rồi đến những động vật, thú vật như loài đà-mã chưa có đủ trí khôn, sau nữa đến người, và cuối cùng là những thiên-thần mà ta có thể nghe thấy tiếng hát và tiếng vỗ cánh nhưng không ai có thể sờ mó được. Thoạt nghe Nunez bỡ-ngỡ, ngẩn người ra, mãi sau mới vỡ lẽ họ tả những con chim. Vị trưởng lão tiếp-tục giảng dậy Nunez rằng thời-gian chia làm hai, khi thì nóng, khi thì lạnh, tức là ngày và đêm của chúng ta, và tốt nhất nên ngủ khi tiết trời ấm-áp, làm việc khi trời lạnh-giá, cho nên nếu không tại hắn thì giờ phút này tất cả mọi người ở đây đều đã ngon giấc. Ông nhất định Nunez được tạo ra để học hỏi và phục-vụ cho những sự hiểu biết khôn-ngoan của họ, và mặc dầu hắn ăn nói chẳng đâu vào đâu, lại hay vấp ngã, nhưng hắn phải tỏ ra có can-đảm và phải dốc lòng, gắng sức học hỏi không được chểnh-mảng. Tới đây tất cả những người đứng lố-nhố ở cửa đều lẩm-nhẩm khuyến-khích. Ông già lại nói rằng đêm - đối với họ, ngày chính là đêm - đã khuya lắm rồi, ai nấy nên quay về đi ngủ. Ông hỏi Nunez có biết đi ngủ không, Nunez đáp có biết nhưng trước khi đi ngủ hắn muốn có cái gì ăn. Họ đem thức ăn đến ? một bát sữa đà-mã cùng với bánh mì thô-sơ ? rồi dẫn đến một chỗ vắng vẻ cho ăn để khỏi nghe thấy hắn lục-đục, và sau đó thì ngủ một mạch cho tới khi khí lạnh buổi chiều miền núi đánh thức họ dậy để bắt đầu một ngày mới. Nhưng Nunez không hề chợp mắt. Hắn ngồi ở chỗ họ dẫn đến, duỗi chân nghỉ và suy đi nghĩ lại những trường-hợp bất ngờ đã đưa hắn đến đây. Thỉnh-thoảng hắn bật cười, khi thì vui thú, lúc lại tức giận : " Đầu óc chưa thành hình ! Chưa có đầy đủ trí-giác ! Họ không biết là họ đã sỉ-nhục đấng quân vương, vị chúa tể mà Trời vừa ban cho họ. Ta cần phải dậy cho họ biết đạo lý, biết lẽ phải. Để nghĩ xem ? nghĩ xem. " Hắn vẫn còn ngồi trầm-tư khi mặt trời lặn hẳn. Nunez là người biết thưởng-ngoạn những vẻ đẹp ở đời, cảnh rực-rỡ của những thửa ruộng tuyết phủ, con sông băng đóng mé trên thung-lũng. Mắt hắn lướt từ khung cảnh huy-hoàng của trời chiều đến cái làng và những thửa ruộng được chăm bón đang chìm rất nhanh vào bóng tối. Đột-nhiên hắn thầm cảm ơn Hóa-công đã ban cho hắn đôi mắt còn nguyên lành. Có tiếng người réo gọi từ phía cái làng. " Bogota ! Lại đây. " Nunez mỉm cười đứng lên. Hắn sẽ dậy cho họ thủng nghĩa thế nào là một người nhìn được. Họ sẽ phải đi tìm hắn và sẽ không tìm thấy. " Này Bogota, đừng đi càn bậy đấy nhé ! " giọng nói lại cất lên. Nunez cười lặng-lẽ, rón-rén bước hai bước ra khỏi con đường nhỏ. " Bogota ! Đừng giẫm bừa-bãi lên cỏ, cấm tuyệt đấy. " Rõ ràng Nunez không nghe thấy tiếng chân mình di-động. Hắn sửng-sốt đứng lại. Người vừa lên tiếng chạy xăm-xăm về phía hắn trên con đường lót đá đen trắng loang-lổ. Hắn vội lùi về con đường nhỏ và lên tiếng : " Tôi ở đây này. " " Tại sao ngươi không lên tiếng khi nghe ta gọi ? " người mù vặn hỏi " Ngươi muốn ta dắt đi như dắt đứa trẻ con hay sao ? Ngươi không nghe thấy tiếng chân mình đi trên đường à ? " Nunez cười : " Tôi nhìn thấy đường mà. " " Không có chữ gì là nhìn cả " người mù gạt đi sau một lúc yên-lặng. " Từ giờ trở đi đừng ăn nói quàng-xiên như thế nữa. Hãy cố mà đi theo tiếng bước chân của ta. " Nunez bước theo, hơi khó chịu. " Rồi sẽ có ngày tới phiên tôi cho mà xem " Nunez nói. " Rồi ngươi sẽ học được. Còn khối thứ ngươi phải gia-tâm học hỏi " người mù đáp. " Thế không ai nói cho ông biết cái câu ?Trong Xứ Mù Thằng Chột làm Vua? à ? " " Mù là cái gì ? " người mù lơ-đãng hỏi qua vai. | |
Category: Truyện ngắn | Added by: admin (11-02-2010) | |
Views: 636 |
Total comments: 0 | |