Home » Articles » Truyện ngắn | [ Add new entry ] |
Mồ côi Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm: Kẻ trộm chữ Cháu ơi, đừng đọc sách của cô nữa, để cô bán. Nhớ mẹ Dưới quê học hành khó khăn nên mới lớp 2, thằng Út đã được gởi lên thành phố ở với chị Hai. Euro (giải bóng đá vô địch các quốc gia Châu Âu) Euro lần trước nhằm lúc má đang bệnh. . Huyền sử Sau khi năm mươi người đã lên núi và năm mươi người đã xuống biển, năm mươi người khác từ những xứ sở xa xôi đến vùng đồng bằng bỏ hoang và sống mãi ở đó cho đến tận ngày nay. Khuôn mặt Cô suốt đời thích dùng kem lột da. Khi cô qua đời, thân nhân đến viếng, thấy xác cô còn nằm đó nguyên vẹn, nhưng khuôn mặt cô biến mất. Tiếng ve Tôi đã sống qua bao mùa hạ, vẫn không hiểu được tiếng ve kêu. Bác Bác tôi cả đời thích hoá trang , không ai biết mặt thật .Đến khi chết đi , ai cũng nghĩ là bác mình . Chị Chị ước mơ kiếp sau chớ làm người, mà được làm cái thùng gạo: chỉ nằm ngửa một chỗ mà chẳng mấy khi thiếu ăn. Quên Nó Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm. Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái, dỗ dành "Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà!". Vậy là nó nín. Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo "Mẹ có đi đâu! Mẹ ở đây mà!" rồi lấy tay đặt trên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn. Thành phố Năm thứ nhất, nàng từ dưới quê lên thành phố trọ học. Cả khu nhà trọ sinh viên chẳng ai có xe máy, nàng vui vẻ đi xe đạp, quần áo giản dị và chơi với đám bạn đồng hội đồng thuyền. Năm thứ hai, nàng là người đầu tiên có xe máy, ăn bận thật mode, nhưng dẫu chưa tốt nghiệp, nàng đã không còn là sinh viên, cũng không còn là nàng nữa. Đám bạn sinh viên giờ nàng chẳng chơi với ai, cũng chẳng ai chơi với nàng. Nàng đã bị thành phố làm cho thay đổi. Xót xa - Tốt nghiệp Đại học Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch, chị Hai ở luôn trên Thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du lịch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay – dễ chừng gần ba năm – chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn: - Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu? Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào ra: - Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc! Nói xong, chị Hai đứng dậy bỏ ăn, nhanh chân bước lên nhà trên. Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu: - Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi má ơi! Lẽ đời Gánh bún vỉa hè của bà thật đắt. Khách không đủ chỗ ngồi, chen chúc, nhường nhau, chờ đợi - vậy mà chẳng phiền ai. Cảm thông cảnh quán tạm, mọi người đều vui vẻ để được tô bún Huế nức tiếng ngon. Con cháu phát triển nghề, mở cửa hiệu khang trang. Đến quán toàn những người sang trọng. Nhưng thay cho những câu đùa, nụ cười, ánh mắt sẻ chia mỗi khi bún trễ, lát chanh chẳng tươi, đĩa rau muống ít giòn là thái độ khó chịu, mày cong môi cớn của khách. Những lúc như thế bà ngậm ngùi nhớ cái…cảnh xưa. Mùi thơm hương bài Ngoài sáu mươi tuổi ông nghĩ hưu, tất cả để lại Hà Nội. Một mình ông về quê chăm sóc mẹ già sau mấy mươi năm đằng đẵng xa mẹ. Đó là những ngày hạnh phúc của đời ông, ông được sống lại những năm tháng ông là thằng Thiều bé bỏng, đêm đêm cùng mẹ xe những cây hương bài thơm ngọt ngào để nuôi ông ăn học… Hai mái đầu bạc của hai mẹ con lại xe hương bài cho đến một ngày trong túp lều nhỏ nghi ngút lan tỏa mùi thơm và khói trắng của hương bài… Ông trở lại Hà Nội với vợ con mang theo hương thơm của hương bài quê hương… Đã lâu tôi mới có dịp ra thành phố. Trước lúc chuẩn bị ra về người bạn chở tôi bằng xe máy lên trung tâm sắm sửa một số đồ dùng. Tôi đang nhìn ngắm những đổi thay của thành phố, bỗng "roạc", một tiếng va mạnh, cả hai chúng tôi ngã ra đường. Bạn tôi ngồi trước bị va mạnh hơn nên ngất xỉu. Tôi thì bị xe đè lên, đau điếng. Nhưng đau hơn là khi nhìn thấy hai thằng choai choai tông vào chúng tôi vội vàng nhặt mấy quyển vở của chúng văng ra, rồi dựng xe của chúng dậy rồ máy chạy thẳng, mặc cho chúng tôi quằn quại với nỗi đau. Thành phố nhộn nhịp người mua bán ven đường, ấy vậy mà đến đỡ chúng tôi dậy chỉ có vài anh xe ôm. Khi chúng tôi được dìu vào lề đường, chưa kịp cảm ơn thì họ đã đi mất. Tôi ân hận lắm. Chỉ đến khi vào mua hộp dầu bóp tạm chỗ đau, móc túi trả tiền thấy rỗng không, mới chợt hiểu tất cả. Giỗ ông Anh em dắt díu nhau tha hương. Trưa. Phụ hồ về "nhà" - (ở dưới gầm cầu). Mệt. Đói. Giở nồi cơm, nhão như cháo. Thằng anh mắng "đồ hư". Con em mếu máo "em nấu để... giỗ ông". Ngẩn người. Chợt nhớ, hôm nay tròn năm, ngày ông mất. Hồi ở quê, thường ngày ông thích cơm nhão. Thế mà...! Ôm em vào lòng, nó gọi trong nước mắt: Ông ơi !!! Không thể quên - Không phải bây giờ anh mới biết chị không chịu được mùi mắm tôm. Từ hồi còn học đại học, hễ vào bữa là chị lại nhăn mặt. Trông điệu bộ chị anh lại thấy vui vui. Anh cũng thể bỏ món ăn khoái khẩu này. Hôm nay, ngồi nhìn mâm cơm mà nước mắt anh cứ ứa ra. Không còn hình ảnh chị với cái mũi nhỏ xinh, nhăn nhăn nhìn anh như vừa trách, vừa yêu. Trên bàn thờ là tấm ảnh chị với nụ cười rạng rỡ. Trong căn nhà trống vắng, mùi nhang trầm quyện lẫn với hương mắm tôm đậm đà. Anh không thể quên. Chuyện tình người điên Có một người điên hay đi lang thang qua những khu vườn trái cây chín nẫu. Ở đó, anh ta gặp một cô gái mù. Cô đẹp đến nỗi người điên bỗng thấy trong trái tim mình có những làn sóng dữ. Cô bị giam giữ bởi một người đàn ông rất sang trọng, cao lớn và đẹp trai. Vẻ học thức toát ra từ anh ta mang một sự sáng-suốt-tỉnh-táo kì lạ. Đôi mắt cô gái mù thẳm biếc hai hồ nước sâu. Người điên đắm. Hai người yêu nhau. Người điên rủ cô gái trốn đi, đến một nơi không còn những người sáng-suốt-tỉnh-táo. Họ trốn được. Có những ngày hai người nhìn nhau câm lặng và hai đôi mắt chết trong nhau. Cái chết như được báo trước. Những-người-tỉnh-táo tìm ra họ. Họ bị bắn. Xác họ bị vùi trên ngọn đồi, không ai biết ở đây từng có một cuộc tình người điên - người mù. Người điên không nói được, dù nói cũng chẳng ai nghe. Cô gái mù thì không biết ai đã bắn mình. Tôi tình cờ biết được chuyện tình của họ trong mơ, khi đi ngang qua một khu mả hoang giữa một buổi chiều mà bầu trời có màu xám chì. khóc bạn Tình bạn Một đôi bạn thân cùng nhau đi du lịch. Trong một lần tranh luận, họ cãi nhau, một người đã tát người kia. Người bị tát cảm thấy bị xúc phạm, không nói gì mà chỉ viết lên cát: "Hôm nay người bạn thân của tôi đã tát tôi". Họ tiếp tục chuyến du lịch đến một vùng hoang vu, người bị tát suýt bị cát vùi, may mắn dược bạn cứu. Tỉnh lại, người đó lại khắc lên đá: "Hôm nay người bạn tốt của tôi đã cứu tôi". Đứng bên cạnh, người bạn hiếu kỳ hỏi: "Tại sao lúc mình tát cậu, cậu lại viết lên cát, bây giờ lại khắc lên đá?" Người này trả lời: "Khi bị bạn làm tổn thương nên viết vào nơi dễ quên, gió sẽ thổi lấp đi. Ngược lại, nếu được giúp đỡ hãy nên khắc sâu trong đáy lòng. Ơ' nơi đó, bất cứ ngọn gió nào cũng không thể xoá lấp được." Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay Người ta nói:"Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay", vậy mà trong một lần rủi ro, con chị bị tai nạn dập nát cả hai bàn tay, phải tháo khớp ...... Chiều nay, thấy con từ ngoài cổng chạy về, đôi mắt đỏ hoe, chị hỏi:"Sao con khóc?". Nó không trả lời, mà chỉ nghẹn ngào, tức tưởi như có điều gì oan ức! Nghĩ con bị đứa nào bắt nạt, chị vội vàng chạy ra, chợt chị sững lại: Mấy đứa trẻ bạn nó đang chơi "oẳn tù tì...." Chân quê Chị Hai lên thành phố học, được gần năm. Tết chị về. Cả nhà vui lắm. Cu Tí, cái Na tròn xoe mắt nhìn chị rồi rụt rè sờ lên bộ đồ chị đang mặc. Bữa cơm ngon hơn. Chị kể chuyện thật nhiều. "Ở thành phố thích thật", cái Na nói. Chợt cu Tí giật giật áo mẹ: "Chị Hai không bắt chước được giọng mình nữa, mẹ ơi". Cua rang muối Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui: - Cua rang muối thật đó mẹ. Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém: - Còn răng đâu mà ăn?! Xa xứ Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học. Thư đầu viết: "ở đây, đường phó sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình..." Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm..." Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội... Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không..." Dựa vào bản thân chúng ta ! Ốc sên con ngày nọ hỏi mẹ của nó : "Mẹ ơi ! Tại sao chúng ta từ khi sinh ra phải đeo cái vỏ bọc vừa nặng vừa cứng trên lưng như thế? Thật mệt chết đi được !". "Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh" - Mẹ nói. "Chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh, tại sao chị ấy không cần đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?". "Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy". "Nhưng em giun đất cũng không có xương và cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến hóa được tại sao em ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?". "Vì em giun đất sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy". Ốc sên con bật khóc, nói : "Chúng ta thật đáng thương, bầu trời không bảo vệ chúng ta, lòng đất cũng không che chở chúng ta". "Vì vậy mà chúng ta có vỏ bọc! - Ốc sên mẹ an ủi con - Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta phải dựa vào chính bản thân chúng ta". Được sửa bởi lennel lúc 23:27 ngày 18-03-2009. | |
Category: Truyện ngắn | Added by: admin (09-02-2010) | |
Views: 889 |
Total comments: 0 | |